ISFJ - Những “người cho đi” sẽ sẵn sàng cống hiến với ngành nghề nào?
Có khoảng 12.5% dân số thế giới mang loại tính cách này, thuộc nhóm EXPLORERS: Các nhà thám hiểm.
“Tình yêu lớn lên bởi sự sẻ chia. Bạn sẽ có nhiều hơn bằng cách cho đi nhiều hơn.” (tạm dịch) - Brian Tracy
ISFJ thường được biết đến là loại tính cách vị tha, chu đáo, giàu tình cảm và quan tâm nhất trong số 16 tính cách. Họ thường đề cao lòng nhân hậu và sự an toàn, tuân thủ luật pháp và tôn trọng phong tục tập quán. ISFJ hiểu rất rõ cảm xúc nội tâm của họ cũng như những cảm xúc của người khác. Họ ít khi bộc lộ cảm xúc ra ngoài mà thường giấu ở trong lòng, nếu là cảm xúc tiêu cực thì họ sẽ kìm nén, chỉ khi nào vượt quá sự chịu đựng họ mới bùng nổ, lúc đó những lỗi lầm mà người khác gây ra quá nhiều cho họ sẽ trở thành bằng chứng không thể chối cãi. ISFJ nồng nhiệt, rộng lượng, đáng tin cậy. Họ có nhiều khả năng đặc biệt thể hiện qua sự nhạy cảm của họ đối với mọi người và khả năng làm mọi việc trở nên trôi chảy. Tuy nhiên, ISFJ cần học cách nhận thức, đánh giá và thể hiện nhu cầu của bản thân nếu như không muốn trở thành người quá bận rộn vì việc của người khác. Không nên quá chỉ trích bản thân, hãy cho phép bản thân nhận được sự thứ tha và yêu thương mà họ đã hào phóng cho đi với nhiều người khác.
ISFJ có xu hướng rất giỏi trong việc thu thập và ghi nhớ các sự kiện khác nhau, đặc biệt là về con người, họ tôn trọng sự hòa hợp, hợp tác, họ cũng rất nhạy cảm với cảm giác của mọi người. Do vậy, khi nói đến lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất cho ISFJ, có thể nói rằng họ có xu hướng trở thành nhà cố vấn, trợ lý hành chính hoặc quản lý. ISFJ cũng chuyên về phục vụ, ấm áp và truyền thống bởi tính cách ôn hòa của họ. Họ cũng tôn trọng các giá trị truyền thống và sự an toàn. Không lạ khi thấy ISFJ tham gia trong các hoạt động tình nguyện hoặc công tác cộng đồng. Họ cũng có xu hướng trở thành những y tá tuyệt vời và nhân viên xã hội hay tôn giáo. Những người thuộc ISFJ có những ý tưởng rõ ràng trong việc hình dung sự việc sẽ diễn biến như thế nào và họ luôn nỗ lực để đạt được nó. Họ tin vào những phương thức có sẵn bởi vì chúng luôn hoạt động hiệu quả, vì vậy họ hiếm khi áp dụng phương thức mới khi làm việc, trừ khi họ nhận được lời giải thích rõ ràng tại sao nó hiệu quả hơn phương pháp quen thuộc. Họ học qua thực hành nhiều hơn việc đọc sách hay áp dụng lý thuyết vậy nên các ISFJ rất ít làm việc trong lĩnh vực đòi hỏi phân tích các giả thiết, khái niệm.
Các công việc cụ thể được gợi ý dành cho các ISFJ:
Ngành y (điều dưỡng, y tá,...)
Trang trí, thiết kế nội thất
Ngành dịch vụ
Công tác cộng đồng (từ thiện,...)
Người làm việc liên quan đến tôn giáo
Giáo dục đặc biệt (chăm sóc, phát triển trẻ em,...)
Trợ lý cấp cao (trưởng phòng, quản lý...)
Các ngành nghề trên được gợi ý dựa vào những điểm mạnh, điểm yếu của từng kiểu tính cách và khả năng những cá nhân mang loại tính cách này sẽ thành công nhiều nhất ở lĩnh vực đó. Bài viết chỉ mang tính tham khảo bởi mỗi cá nhân sẽ có quan niệm khác nhau, con người luôn hàng ngày phát triển bản thân, học thêm những kỹ năng mới nên sẽ không có gì là mang tính tuyệt đối.
Đăng nhận xét