ESTJ - “Công dân kiểu mẫu” sẽ được gợi ý làm những ngành nghề nào?
Có khoảng 11,5% dân số thế giới mang loại tính cách này, thuộc nhóm EXPLORERS: Các nhà thám hiểm.
“Trật tự ổn định chính là nền tảng của mọi thứ.” (tạm dịch) - Edmund Burke
Đặc trưng nổi bật nhất để nhận ra một ESTJ là những người truyền thống và có trật tự, họ sử dụng những hiểu biết của họ qua phân định “đúng - sai” và được xã hội chấp nhận để gắn kết mọi vấn đề xung quanh. Tuy có trật tự, nguyên tắc là vậy nhưng ESTJ vẫn luôn thể hiện mình là người bạn năng động, đáng tin cậy trong công việc, cuộc sống và cũng không kém phần dí dỏm. Họ có thể không phải là linh hồn, chi phối và điều khiển cảm xúc của tập thể như những lầm tưởng về những cá nhân mang nhóm E (nhận năng lượng từ bên ngoài) khác, nhưng những người xung quanh sẽ không cảm thấy buồn chán khi làm việc chung với họ nếu bạn cũng có chung một số quan điểm với họ. Ngọn lửa nhiệt huyết cũng luôn cháy trong con người ESTJ, họ luôn khát khao được hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là khi chúng liên quan tới gia đình. ESTJ cũng thường có ý chí mạnh mẽ, họ không ngại lên tiếng bảo vệ ý kiến của mình, cho dù đối thủ của họ là ai đi chăng nữa.
Bởi đặc trưng tính cách là truyền thống, nguyên tắc và ổn định, ESTJ là phần không thể thiếu trong bất cứ đội ngũ nhân sự nào để đảm bảo mọi thứ “on track”. Một công việc lý tưởng cho ESTJ cũng giống ISTJ phải đảm bảo các yếu tố logic, có các quy chuẩn rõ ràng. Họ có một la bàn đạo đức mạnh mẽ và không ngại việc phải lãnh đạo người khác. Họ cũng hướng tới những nghề nghiệp mang lại cảm giác về cấu trúc và tổ chức, nơi họ có thể thực hiện trách nhiệm và lòng trung thành của mình nên họ khá phù hợp các công việc quản trị, lãnh đạo, quân đội. Những đặc điểm này cũng có thể làm ESTJ trở nên nổi bật, xuất sắc trong các vị trí đầu não như giám đốc điều hành, chiến lược gia của công ty. Tuy nhiên, ESTJ nên học cách thấu hiểu và tôn trọng ý kiến, cảm xúc của người khác nhiều hơn bởi biết đâu những thứ đó sẽ giúp họ trong sự nghiệp bản thân và chính vì vậy họ cũng nên cân nhắc tránh những công việc cần xem xét mọi việc đa số dựa trên phương diện cảm xúc.
Các công việc cụ thể được gợi ý dành cho các ESTJ:
Pháp luật: luật sư, thẩm phán,...
Cảnh sát, hình sự, sĩ quan quân đội,..
Kiểm định (mọi lĩnh vực như hải quan,...)
Những người đứng đầu: Giám đốc điều hành, quản trị, quản lý (có thể lúc đầu ESTJ chưa được làm những công việc “đầu não”, tuy nhiên với sự nỗ lực, nếu họ đạt được các vị trí cao họ hoàn toàn có thể đảm đương và hết mình với công việc đó)
Các ngành nghề trên được gợi ý dựa vào những điểm mạnh, điểm yếu của từng kiểu tính cách và khả năng những cá nhân mang loại tính cách này sẽ thành công nhiều nhất ở lĩnh vực đó. Bài viết chỉ mang tính tham khảo bởi mỗi cá nhân sẽ có quan niệm khác nhau, con người luôn hàng ngày phát triển bản thân, học thêm những kỹ năng mới nên sẽ không có gì là mang tính tuyệt đối.
Đăng nhận xét